Tín dụng bị thắt chặt, lãi suất neo ở mức cao, nợ trái phiếu đến hạn phải thanh toán đang khiến nhiều “ông lớn” bất động sản rơi vào trạng thái khó khăn chồng chất.
Theo nhiều doanh nghiệp, hiện nay do tín dụng bị thắt chặt, lãi suất neo cao, chúng tôi đang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Để cơ cấu lại các khoản nợ, 6 tháng qua, nhiều công ty đã phải gõ cửa khắp nơi để bán bớt dự án, nhưng đến nay vẫn ùn tắc. Phần vì bị trả giá quá rẻ, phần vì bên mua đưa điều kiện quá khó.
Trên thực tế, trong suốt hơn 1 năm qua, chuyện doanh nghiệp nhà đất buộc phải bán bớt tài sản để xoay tiền không còn là chuyện hiếm. Kết quả một cuộc thăm dò tại hơn 30 công ty có dự án bất động sản tại Đồng Nai, Long An, Bình Dương và TP.HCM, cho thấy có nhiều đơn vị đang phải chấp nhận vay ngoài với lãi suất 18 – 25%/năm, kỳ hạn 6 – 9 tháng, vì không thể tiếp cận với các khoản vay ngân hàng.
Báo cáo mới đây của VARS cũng cho thấy, khoảng thời gian giữa năm 2023 là “mùa xử lý nợ” đầy khó khăn của các doanh nghiệp địa ốc, nhiều đơn vị đối mặt với lựa chọn bán bớt dự án, tài sản giá rẻ.
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt – ông Nguyễn Văn Đạt, cho hay suốt thời gian qua, ông đã phải bán nhiều tài sản và chịu nhiều thiệt hại để giúp công ty vượt qua đợt cao điểm trả nợ đáo hạn.
Tại đại hội cổ đông thường niên, tổ chức vào hạ tuần tháng 6/2023, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, bà Nguyễn Thị Như Loan trải lòng với nhà đầu tư về việc công ty sẽ phải căng mình xoay xở dòng tiền nghìn tỷ để trả nợ đối tác trong năm 2023.
Để xử lý các khoản nợ, QCG dự kiến bán dự án thủy điện IaGrai 1 ở Gia Lai, một mảng vốn đang “hái ra tiền” của công ty. Việc lựa chọn bán thủy điện thay vì dự án là vì “bán dự án thì phải giảm 50%, trong khi bán thủy điện thì không lỗ”.
Trước đó, giới đầu tư địa ốc hẳn cũng chưa quên vụ việc Egroup của “shark” Thủy thông báo “cấn nợ” 75 lô đất ở Thanh Hóa vào cuối tháng 3 vừa qua, mỗi lô có diện tích từ 100 – 194m2, bán đồng giá là 300 triệu đồng/nền. Được biết, số lô đất này dành cho chủ nợ có dư nợ dưới 1 tỷ đồng tại Tập đoàn Egroup và các công ty liên quan. Nhà đầu tư được gạt nợ 100 – 200 triệu đồng, còn lại phải đóng tiền mặt.
Không chỉ sức ép từ nợ vay, các doanh nghiệp bất động sản còn đối diện với khối nợ khổng lồ từ trái phiếu đáo hạn. Số liệu của Bộ Xây dựng vừa công bố cho thấy dư nợ tín dụng bất động sản tính đến hết tháng 6 là gần 860.000 tỷ đồng.
Bất động sản cũng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong phát hành trái phiếu với hơn 37% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023, tương đương hơn 100.000 tỷ đồng, tăng 76% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Trong 3 tháng gần nhất, những tên tuổi hàng đầu như Hưng Thịnh Land, Novaland, Hưng Phát, Đất Xanh miền Nam, Hưng Thịnh Investment… lần lượt thông báo chậm trả gốc lãi trái phiếu. Ngoài ra, một loạt doanh nghiệp như Kita Invest, Phát Đạt… thông báo kéo dài kỳ hạn trái phiếu.
Theo thống kê, áp lực đáo hạn trái phiếu trong nửa cuối năm 2023 là rất lớn. Chỉ riêng trong 3 tháng 7, 8, 9, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lần lượt là 26.564 tỷ đồng, 33.746 tỷ đồng và gần 41.000 tỷ đồng… Trong đó, lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn lên tới gần 82.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, số liệu của Bộ Tài chính chỉ ra, năm 2023 và 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng vọt, lần lượt ở mức 271.400 tỷ đồng và 329.500 tỷ đồng. Riêng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn là 207.800 tỷ đồng, trái phiếu của các tổ chức tín dụng đến hạn là 207.500 tỷ đồng.
Giữa vô vàn áp lực, một thông tin tốt là Bộ Tài chính thông tin trong tháng 7 sẽ khai trương và vận hành chính thức sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá việc đưa vào vận hành thị trường thứ cấp cho trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tạo cơ sở để trái chủ thực hiện thanh khoản trên thị trường thuận lợi nhất. Qua đó, dần lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư.
Đây được kỳ vọng sẽ là lực đẩy giúp thị trường trái phiếu gia tăng thanh khoản trong 2 quý cuối năm. Đồng thời giúp minh bạch thông tin, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, tạo kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Những diễn biến từ thực tế cho thấy sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản đang xuống thấp đến mức nghiêm trọng. Giới chuyên gia kỳ vọng, đến cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024, các chính sách gỡ khó về pháp lý thẩm thấu và việc vay vốn dễ thở hơn, lãi suất cho vay giảm xuống mức trên dưới 10%, núi nợ của doanh nghiệp sẽ giảm xuống, quá trình phục hồi sẽ bắt đầu.
Nguon: DNHN