Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo tờ trình Chính phủ dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI THUẾ NẢY SINH BẤT CẬP
Luật thuế thu nhập doanh nghiệp được thông qua ngày 3/6/2008 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khoá XII có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009 để thay thế cho Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2003.
Từ đó đến nay, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp qua hai lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2013 và năm 2014 để xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn.
Tại tờ trình này, Bộ Tài chính nêu rõ việc sửa đổi 4 nhóm chính sách, trong đó, có nhóm chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Theo đó, nổi bật là Bộ Tài chính đề xuất mở rộng cơ sở thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và thông lệ quốc tế thông qua việc rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi thuế nhằm khắc phục bất cập của các quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, khắc phục sự dàn trải trong ưu đãi thuế.
Cùng với đó, rà soát để sắp xếp lại lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng thu hẹp các địa bàn đã có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển và tính tới mở rộng các lĩnh vực mới phát sinh, các đối tượng thực sự cần khuyến khích đầu tư, đảm bảo ưu đãi đúng đối tượng.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thời gian qua, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên nhiều phương diện, trong đó có yếu tố chính sách ưu đãi thuế, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp.
“Kết quả thể hiện ở nguồn vốn FDI vào Việt Nam không ngừng tăng lên qua các năm, đưa Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả trong những giai đoạn khó khăn của thế giới và khu vực”, Bộ Tài chính khẳng định.
Tuy nhiên, cũng theo bộ này, thực tiễn thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành đã bộc lộ những nhược điểm, hạn chế cần được nghiên cứu, rà soát lại cho phù hợp.
Bộ Tài chính chỉ rõ tác động của ưu đãi thuế đối với việc phân bổ nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn cần khuyến khích phát triển còn hạn chế.
“Qua rà soát cho thấy, các doanh nghiệp thường tập trung đầu tư tại những nơi có kết cấu hạ tầng thuận lợi như khu vực Đông Nam Bộ và một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng. Trong khi đó, các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên là hai khu vực có tỷ trọng doanh nghiệp thực hiện đầu tư thấp, nhất là nhóm doanh nghiệp FDI.
Cũng với đó, lĩnh vực, địa bàn được hưởng ưu đãi thuế còn dàn trải, cùng với việc lồng ghép nhiều chính sách xã hội trong chính sách thuế đã làm giảm tính trung lập của thuế, làm gia tăng chi phí ngân sách của việc thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hiện nay, tổng số nhóm lĩnh vực ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là 30 nhóm lĩnh vực, ngành nghề; về địa bàn ưu đãi thuế hiện có 54/63 tỉnh, thành phố thuộc danh mục địa bàn ưu đãi thuế, chưa kể các khu kinh tế, khu công nghệ cao và các khu công nghiệp (trừ khu công nghiệp tại địa bàn thuận lợi).
Tuy nhiên, qua rà soát danh mục này cho thấy danh sách các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn qua nhiều lần sửa đổi thì không giảm, thậm chí văn bản sau, số lượng địa bàn được ưu đãi còn mở rộng hơn so với văn bản trước. Bộ Tài chính đánh giá, danh mục địa bàn được hưởng ưu đãi thuế hiện nay được cho là khá rộng.
Ngoài ra, đối với khu kinh tế, khu công nghệ cao đều áp dụng chung một cơ chế ưu đãi như nhau với mức ưu đãi ngang bằng với ưu đãi dành cho các dự án đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà không gắn với đặc điểm thực tế và mức độ phát triển, hạ tầng của từng khu.
ƯU ĐÃI THUẾ KHÔNG PHẢI NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH
Bộ Tài chính cũng cho biết, qua thực tiễn kinh nghiệm ở nhiều nước và khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, ưu đãi thuế không phải là yếu tố quyết định đối với các nhà đầu tư khi lựa chọn địa điểm đầu tư mà các yếu tố như đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, sự ổn định và minh bạch của thể chế có ý nghĩa quan trọng hơn.
Theo dõi xu hướng cải cách chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của các nước trên thế giới trong những năm gần đây, một số nước đã thực hiện chủ trương thu hẹp phạm vi ưu đãi và chỉ tập trung cho một số ngành ưu tiên, mũi nhọn như: nghiên cứu đổi mới, phát triển khoa học và công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo… và vùng đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó là triển khai các giải pháp tạo thuận lợi, giảm bớt chi phí cho nhà đầu tư và tạo môi trường đầu tư hấp dẫn về tổng thể.
Theo đó, để khắc phục các bất cập nêu trên, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi chính sách ưu đãi đang được quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp để khắc phục tình trạng dàn trải, đảm bảo các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện để phát triển các ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên của Đảng và Nhà nước.
Ngoài ra, liên quan đến việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế trên phạm vi quốc tế, nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh, Diễn đàn hợp tác toàn cầu về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận với sự đồng thuận của hơn 140 quốc gia đã thống nhất, ra tuyên bố về việc thực hiện Khung giải pháp Hai trụ cột để các nước nghiên cứu, triển khai tại quốc gia mình.
Trong đó Trụ cột 2 với mục đích thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu về mức thu nhập doanh nghiệp tối thiểu, hạn chế tình trạng giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp quá mức giữa các quốc gia bằng thuế tối thiểu toàn cầu.
Theo đó đã đặt ra cơ chế cho phép quốc gia nơi đặt trụ sở của công ty mẹ cuối cùng của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hàng năm trong Báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao từ 750 triệu Euro trở lên sẽ được thu thêm phần tiền thuế đối với khoản thu nhập mà công ty đa quốc gia này thu được từ hoạt động đầu tư kinh doanh ở quốc gia khác mà chỉ chịu mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp dưới mức tối thiểu là 15%.
Mặc dù với cơ chế áp dụng thu thuế bổ sung đối với công ty mẹ ở nước ngoài thì không ảnh hưởng đến số thu thuế của Việt Nam đối với các công ty con theo chính sách hiện hành cũng như không bắt buộc Việt Nam phải cắt giảm ưu đãi đã cấp cho các công ty con, do vậy, chưa phát sinh việc bảo đảm ưu đãi đầu tư đã cấp tại Việt Nam đối với các công ty con thành viên thực hiện đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, “vấn đề đặt ra là việc duy trì tính hấp dẫn của các chính sách thu hút đầu tư trong xu hướng các quốc gia khác cũng đẩy mạnh các chính sách ưu đãi nhằm mục tiêu thu hút đầu tư”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Theo đó, để đảm bảo một hệ thống chính sách thuế bình đẳng, thống nhất, tiếp tục thúc đẩy, thu hút đầu tư để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn tới và không tạo ra sự xáo trộn lớn ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư kinh doanh của cả cộng đồng doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp không thuộc phạm vi áp dụng của Trụ cột 2), bảo đảm quyền đánh thuế của Việt Nam đối với các công ty đa quốc gia có đầu tư tại Việt Nam, bởi trong trường hợp Việt Nam không thu thêm thuế thì quốc gia nơi công ty mẹ đóng trụ sở chính sẽ hưởng nguồn thu này cũng như các doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, Bộ Tài chính khẳng định cần thiết nghiên cứu đề xuất các giải pháp phù hợp trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp tới đây cho phù hợp với cơ chế thực thi của Trụ cột 2, đồng thời hài hòa lợi ích của nhà đầu tư.AT